20 cách bảo quản đồ gỗ bạn nhất định phải biết
08/09/2021
Hầu hết người Việt đều rất ưa chuộng các vật dụng nội thất như bàn ghế, tủ giường,…bằng gỗ vì vẻ đẹp mộc mạc, ấm cúng, tôn lên được nét trang nhã và thanh tao của ngôi nhà. Nhưng cách bảo quản đồ gỗ được bền lâu như thế nào thì không phải gia chủ nào cũng rõ.
Những vấn đề thường gặp khi sử dụng đồ gỗ:
Khi nói về đồ nội thất, từ châu Á tới châu Âu, gỗ luôn là chất liệu chiếm được cảm tình của người sử dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về “bản chất” của gỗ. Từ đó dẫn đến những thói quen xấu, gây hư hại nghiêm trọng tới vẻ đẹp của đồ gỗ trong gia đình.
Gỗ là loại vật liệu thông dụng nhưng cần được được bảo quản đúng cách
Đồ gỗ dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường, đặc biệt là ánh nắng và nước. Tia cực tím trong ánh sáng có thể làm hỏng bề mặt gỗ. Ánh sáng phá vỡ các liên kết hóa học trong gỗ. Dần dần, theo thời gian, gỗ bị phai màu, xỉn màu, mất đi nét duyên dáng và tinh tế của sản phẩm. Trong khi đó, nước và độ ẩm không khí có thể khiến gỗ nứt và phồng lên, gây tình trạng cong vênh, rất bất tiện khi sử dụng.
Ngoài ra, chỉ với những va quẹt nhỏ hay mối mọt, các loại bàn ghế nội thất cổ, đắt tiền có thể bị hư hại và mất đi giá trị rất nhiều.
Bảo quản đồ gỗ là việc cần thiết trong mỗi gia đình
Gỗ là loại chất liệu yêu cầu sự quan tâm và chăm sóc cẩn thận. Vì vậy, bạn nên “thuộc nằm lòng” 20 cách bảo quản đồ gỗ sau đây để có cho mình kiến thức đầy đủ nhất.
20 cách bảo quản đồ gỗ bền đẹp, dài lâu:
Mua đồ gỗ chất lượng:
Cách bảo quản đồ gỗ bền đẹp, dài lâu dễ nhất là ở bước gia chủ chọn sẵn cho mình những sản phẩm đồ gỗ chất lượng ngay từ ban đầu. Gỗ càng tốt thì khả năng chống chọi với thời tiết càng cao.
Lau bằng dấm trước khi quét sơn:
Đối với những người kỹ tính, khi tự chọn gỗ và đóng tủ, trước khi quét sơn, gia chủ sẽ lau qua gỗ bằng một ít dấm trắng. Dấm trắng sẽ giúp lớp sơn trở nên sáng, bóng, sắc đẹp ưng ý.
Dùng nước gạo lau đồ mới quét sơn:
Sau khi quét sơn, thợ mộc sẽ lau thêm một lớp nước gạo giúp lớp sơn bền lâu, hạn chế bong tróc theo thời gian.
Nước gạo giúp giữ màu sơn bền lâu
Sử dụng cafe hoặc vỏ cam quýt để khử mùi sơn:
Với tủ mới mua, mùi sơn vẫn còn lưu lại rất lâu trên bề mặt tủ. Mùi sơn quá nồng sẽ lan vào phổi gây khó chịu, chóng mặt và đau đầu. Khi ấy bạn không nên cố gắng lau chùi tủ bằng nước quá nhiều lần. Nước không làm giảm mùi của lớp sơn mà còn ảnh hưởng không tốt đến đồ nội thất.
Thay vào đó, bạn có thể đặt cà phê/bã cafe/vỏ cam quýt. Đó là những chất giúp hút mùi đặc biệt tốt, nhất là đối với hút mùi sơn gỗ.
Không để đồ nội thất gỗ dưới ánh nắng trực tiếp:
Nhiều người có thói quen đặt đồ gỗ gần cửa sổ, ban công, dưới ánh nắng mặt trời. Điều đó là không nên vì ở những vị trí tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, đồ gỗ sẽ dễ bị cong vênh, co ngót thậm chí là bị phai màu gỗ.
Bạn nên sử dụng 1 lớp rèm che nếu có ý định đặt đồ gỗ nơi có ánh sáng mặt trời gay gắt.
Sử dụng rèm che để bảo vệ đồ gỗ trước ánh nắng mặt trời
Đặt đồ gỗ ở nơi thoáng mát:
Gỗ là loại vật liệu rất nhạy cảm với độ ẩm. Ở nơi có độ ẩm cao quá, đồ gỗ dễ bị mối mọt, phồng rộp. Ở nơi có nhiệt độ thấp thì nứt gãy nhanh chóng. Độ ẩm lý tưởng để bảo vệ đồ gỗ sẽ rơi vào khoảng từ 45 – 50%.
Gia chủ nên kê các đồ gia dụng gỗ xa những nơi ẩm, có mưa hắt. Tuyệt đối không lau đồ gỗ bằng khăn quá ướt hoặc đổ nước trực tiếp lên bề mặt. Nếu có điều kiện, gia chủ nên trang bị thêm máy hút ẩm để duy trì độ ẩm ổn định cho căn nhà.
Bảo vệ đồ gỗ bằng vecni ít nhất 1-2 lần trong năm:
Nếu cẩn thận hơn, bạn nên sử dụng xi đánh bóng vecni 1-2 lần trong năm. Xi đánh bóng chuyên biệt có tác dụng như dầu dưỡng giúp đồ gỗ hạn chế cong vênh hay phồng rộp.
Nên sử dụng xi bóng chuyên dụng 1-2 lần trong năm
Xử lý các vết nứt bằng keo lỏng:
Trường hợp mặt gỗ bị nứt, gia chủ có thể lấy keo lỏng trộn mạt cưa mỏng mịn, chưng cách thủy rồi trát lên các chỗ hở.
Tránh vết ố do nước:
Nếu chẳng may đồ nội thất nhà bạn bị ngấm nước. Bạn có thể sử dụng bia để tẩy sạch vết hoen ố và đánh bóng lại bàn gỗ
Sử dụng bia là một cách bảo quản đồ gỗ hiệu quả
Quét bụi bằng bàn chải lông:
Để vệ sinh bụi bám tại các kẽ, các mắt, ngóc ngách của đồ gỗ, gia chủ nên dùng các loại bàn chải lông mềm. Bàn chải quét sơn cũng là một sự lựa chọn tốt. Bạn nên quét lần lươt từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài cho thật sạch rồi mới thực hiện lau rửa.
Dùng giấy thiếc để tẩy vết chè:
Các vết cáu bẩn do nước chè để lại thường rất khó tẩy sạch. Bạn nên thử dùng giấy thiếc trong bao thuốc lá để lau cùng nước. Đó là cách dễ nhất để tẩy rửa vết trà lâu ngày.
Sử dụng nến “chữa” nhanh các vết cháy xém nhỏ:
Đôi khi trong quá trình sử dụng, tàn thuốc, tàn hương có thể để lại những vết cháy trên đồ gỗ. Ta chỉ cần quấn vải thô lên đầu que tăm rồi lau vào vết cháy, sau đó dùng nến bôi lên một lớp mỏng, vết cháy sẽ hết.
Nến có khả năng “chữa lành” các vết cháy xém nhỏ
Tẩy vết cáu nước bằng bàn là:
Nếu bạn không muốn tốn quá nhiều công sức cọ rửa các vết cáu do nước để lại, bạn có thể dùng một tấm khăn ẩm đặt lên vết cáu. Sau đó, bạn hãy dùng bàn là nóng ủi đi ủi lại vài lần. Cuối cùng, bạn cần lau lại một lần nữa, vết cáu lập tức biến mất.
Dùng nước hiện hình tẩy vết sơn cũ trên đồ gỗ:
Các vết sơn cứng đầu là một trong những vấn đề nan giải.
Dùng nước hiên hình trong kỹ thuật rửa ảnh để lau vết sơn, sau đó rửa đồ gỗ, phơi khô rồi phủ một lớp bóng mới lên trên nếu cần.
Lau bụi thường xuyên:
Lớp bụi phủ lâu ngày có thể gây xước lớp sơn. Bạn nên lau bụi thường xuyên ít nhất 2-3 lần/tuần.
Bề mặt đồ gỗ có thể bị xước bởi những hạt bụi nhỏ.
Đánh bóng gỗ bằng sáp mềm:
Ngoài sơn vecni, bạn có thể đánh bóng và bảo quản đồ gỗ bằng sáp mềm. Chỉ mất tầm 5-7 phút chà sáp bằng vải mềm lên gỗ, bạn đã có một bề mặt gỗ sáng bóng, ưng ý.
Dùng vôi bột để tránh ẩm mốc:
Khi thời tiết khô hanh, dù độ ẩm xuống thấp nhưng tủ quần áo nhà bạn vẫn có khả năng lên mốc, đặc biệt khi kê tủ sát tường.
Để tránh được tình trạng này, gia chủ nên bôi vôi bột hoặc than củi vào mặt trong của tủ. Vôi bột và than củi là 2 loại chất liệu hút ẩm cực kỳ hiệu quả, ngăn chặn tình trạng ẩm mốc, nhất là với thời tiết tại miền Bắc Việt Nam.
Dùng dầu ô liu làm mờ vết xước:
Với những vết trầy xước nhẹ, thì việc sử dụng dầu ô liu là phương án thích hợp và dễ dàng nhất. Chỉ cần dùng vải sạch và mềm thấm dầu ô liu, sau đó chà nhẹ lên bề mặt sàn. Dầu ô liu sẽ ngấm vào đồ gỗ nội thất một cách tự nhiên, giúp che mờ vết xước và làm bóng sản phẩm.
Dầu ô liu làm mờ vết xước nhỏ
Dùng Iot chữa các vết phồng rộp:
Với các vết phồng rộp trên đồ gỗ, gia chủ có thể dùng cồn I ốt lau nhẹ lên trên vết nóng, hoặc bôi lên vết nóng thêm một ít dầu vadolin. Sau vài ngày ta dùng vải lau vết nóng một lần nữa, vết phồng rộp sẽ hết.
Thường xuyên lau chùi là cách bảo vệ đồ gỗ tốt nhất:
Thường xuyên lau chùi bằng khăn ẩm nhẹ hoặc giấy ăn là cách tốt nhất để bảo vệ đồ gỗ trong gia đình. Chỉ khi thực sự thường xuyên quan tâm, chăm sóc hằng ngày, bạn mới có thể phát hiện các bất thường và chăm sóc đồ đạc kịp thời.